Chiến lược của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền Vấn đề Kinh châu thời Tam Quốc

Tào Tháo

Khi Tào Tháo đã chiếm thế thượng phong, nắm được vua nhà Hán và bá chiếm gần hết trung nguyên, nắm phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, các quân phiệt khác ở vào thế yếu hơn. Khi hoạch định chiến lược cho Tào Tháo, Quách Gia cũng khuyên ông nên chiếm lấy Kinh châu trước trong chiến dịch nam chinh[1].

Tại thời điểm năm 208, ngoài Tào Tháo, Lưu Biểu (thêm Lưu Bị) và Tôn Quyền, còn các quân phiệt Lưu Chương, Trương Lỗ tại Ích châu, Mã SiêuHàn Toại ở Lương châu. Khi ra quân, Tào Tháo chọn Kinh châu làm mục tiêu đầu tiên để tranh giành, vì Tào Tháo cũng nhận thức được vị trí quan trọng của Kinh châu, làm bàn đạp tấn công sang 2 châu Dương, Ích thống nhất thiên hạ.

Lưu Bị

Năm 207, khi rời lều tranh ra giúp Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã chỉ ra chiến lược Long Trung đối sách để tranh hùng thiên hạ: chiếm lấy Kinh châu, Ích châu, ổn định lãnh thổ, xây dựng quân đội, bắc địch Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền, chờ thời cơ thiên hạ có biến, tiến lên chinh phạt trung nguyên từ hai đường nam và tây, thống nhất Trung Quốc[2]. Lưu Bị rất tâm đắc với chiến lược này và kể từ đó, các chiến thuật ngoại giao và quân sự của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đều vì mục tiêu lấy hai châu Kinh, Ích làm bàn đạp tấn công trung nguyên.

Tôn Quyền

Phía Giang Đông, các mưu thần cũng vạch ra chiến lược dựng nước cho họ Tôn, với mục tiêu trong đó là giành lấy Kinh châu. Theo Lỗ Túc[3][4]:

Nên nắm hết vùng Giang Đông làm chân vạc,… nhân cơ hội này diệt trừ Hoàng Tổ ở Giang Hạ, tiến đánh Lưu Biểu, giành lấy toàn bộ lưu vực sông Trường Giang, sau đó dựng nghiệp xưng đế vương, tranh đoạt thiên hạ.

Mục tiêu của Lỗ Túc bày cho Tôn Quyền là phải đoạt lấy hai châu Kinh, Dương, giành lấy toàn bộ lưu vực sông Trường Giang để dựng nước.

Chu Du cũng có ý kiến như Lỗ Túc, thậm chí chiến lược của Chu Du sau trận Xích Bích còn có điểm trùng với Gia Cát Lượng, nhưng là để phát triển cơ nghiệp cho Tôn Quyền[5]:

… đánh vào chiếm đất Thục, rồi diệt luôn Trương Lỗ. Sau đó lưu Tôn Du ở lại (Thục) làm thanh thế, liên kết với Mã Siêu cùng chống Tào Tháo. Tôi sẽ trở về cùng ngài đánh chiếm Tương Dương, truy kích Tào Tháo, tiến lên phía bắc lấy trung nguyên.

Ngay cả võ tướng Cam Ninh cũng có ý kiến tương đồng[6]:

Nên sớm lấy Kinh châu, không nên để Tào Tháo ra tay trước. Sau khi đánh bại Hoàng Tổ, hãy chiếm lấy đất Sở, rồi đánh thẳng xuống Ba quận, Thục quận (Ích châu)

Như vậy, cả Chu Du và Cam Ninh đều đặt ra mục tiêu chiếm cả ba châu Dương, Kinh, Ích làm bàn đạp tranh giành thiên hạ cho họ Tôn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vấn đề Kinh châu thời Tam Quốc http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E...